CÁCH PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIRUS HMPV
Thứ sáu - 10/01/2025 14:11
CÁCH PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIRUS HMPV
VIRUS HMPV LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ
CÁCH ĐIỀU TRỊ
Virus HMPV được các nhà khoa học tại Hà Lan xác định vào năm 2001. Loại virus này thuộc họ Pneumoviridae cùng với virus hợp bào hô hấp (RSV). Vậy HMPV virus là gì và HMPV test như thế nào? Triệu chứng, cách chữa trị ra sao?
* Virus HMPV là gì?
Virus HMPV hay Human Metapneumovirus (hMPV) ở người là một loại virus đường hô hấp gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh. Virus HMPV cũng có thể là tác nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, ví dụ như viêm phổi, hen suyễn, làm tình trạng bệnh COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) trở nên nghiêm trọng hơn.
*Cách phân biệt virus HMPV với các virus hô hấp khác
Virus HMPV không giống với RSV (virus hợp bào hô hấp), nhưng HMPV virus tương tự như RSV. Virus Human Metapneumovirus là một phần của cùng một chi – hoặc nhóm khoa học như RSV (Pneumovirus) và có thể dẫn đến những triệu chứng tương tự. Độ tuổi có thể mắc bệnh nặng do HMPV virus là từ 6 – 12 tháng và người cao tuổi, trong khi RSV có nhiều nguy cơ gây bệnh nặng ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
Virus HMPV và Covid-19 đều dễ lây truyền, biểu hiện các triệu chứng tương tự nhau như ho, sổ mũi, sốt, đau họng, nghẹt mũi, khó thở. Chúng cũng lây lan theo các cách tương tự nhau. Ở trường hợp nghiêm trọng nhất, cả hai loại virus này đều có thể khiến người bệnh phải nhập viện chữa trị.
Nhưng không giống Covid-19, hiện chưa có liệu pháp cụ thể giúp kháng HMPV virus hoặc vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh do virus Human Metapneumovirus gây ra. Virus HMPV là virus theo mùa, thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân. Trong khi Covid-19 có thể lưu hành quanh năm do sự phát triển của những biến thể mới.
HMPV virus là gì? HMPV (Human Metapneumovirus) là một loại virus đường hô hấp gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới.
* Đối tượng nguy cơ nhiễm virus HMPV
Virus HMPV có thể dẫn đến bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới ở mọi độ tuổi. Bệnh thường xuất hiện nhất ở trẻ em (dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sinh non), người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có nhiều nguy cơ phát triển thành viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
Mặc dù tiền sử bệnh phổi như khí phế thũng, COPD, hen suyễn hoặc bất kỳ bệnh phổi nào khác không làm tăng nguy cơ nhiễm virus HMPV, nhưng khi đã nhiễm bệnh, những người này có thể gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn. Điều này cũng đúng đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu, như người mắc HIV, ung thư, rối loạn tự miễn dịch, những người bệnh đang hóa trị hoặc những người vừa trải qua ghép tạng.
* Triệu chứng nhiễm virus HMPV ở người
Hầu hết người bệnh nhiễm virus HMPV đều có các triệu chứng mức độ nhẹ ở đường hô hấp trên, ví dụ như cảm lạnh. Những triệu chứng này có thể bao gồm: đau họng, ho, sốt, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi… Ở những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị khó thở, khò khè, bùng phát hen suyễn. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thứ phát có thể xảy ra, ví dụ như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…, đòi hỏi phải được chăm sóc y tế bổ sung.
Người nhiễm virus HMPV có thể gặp các triệu chứng như ho, đau họng, nghẹt mũi…
*Cách chẩn đoán nhiễm virus HMPV
Bác sĩ thường chẩn đoán lâm sàng HMPV dựa trên những triệu chứng và tiền sử sức khỏe của người bệnh. Bác sĩ có thể dùng tăm bông để lấy mẫu từ cổ họng hoặc mũi của người bệnh. Mẫu bệnh phẩm được mang đến phòng xét nghiệm để tìm virus và những căn bệnh nhiễm trùng khác. Người bệnh có thể không được làm HMPV test (xét nghiệm HMPV) trừ khi có những triệu chứng nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh chụp X-quang ngực, nội soi phế quản để tìm kiếm những sự thay đổi bất thường ở đường dẫn khí trong phổi.
* Điều trị virus HMPV ở người
Hiện chưa có loại thuốc kháng virus nào có thể giúp đặc trị HMPV virus. Người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng ngay tại nhà theo tư vấn của bác sĩ cho đến lúc cảm thấy khỏe hơn. Người bệnh nhiễm virus HMPV gây triệu chứng nặng hay làm nặng bệnh nền sẵn có thường cần phải nhập viện chữa trị. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và giúp bệnh không tiến triển nặng hơn. Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng bao gồm:
- Dùng thuốc giảm triệu chứng: Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng các thuốc giúp giảm thiểu hay kiểm soát các triệu chứng do nhiễm virus HMPV gây ra.
- Liệu pháp oxy: Nếu người bệnh bị khó thở, bác sĩ có thể cung cấp thêm oxy cho người bệnh thông qua mặt nạ hoặc ống thông mũi.
- Truyền dịch tĩnh mạch: Truyền dịch trực tiếp vào tĩnh mạch (IV) có thể cung cấp đủ nước cho người bệnh.
- Corticosteroid: Steroid có thể giúp làm giảm tình trạng viêm, hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng…
- Nghỉ ngơi, dinh dưỡng khoa học: Người bệnh được bác sĩ tư vấn chế độ nghỉ ngơi, ăn uống khoa học, giúp nâng cao sức đề kháng, thể trạng.
*Biến chứng nhiễm virus HMPV ở người
Đôi khi virus HMPV có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi người bệnh phải nhập viện chữa trị, bao gồm: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tai (viêm tai giữa), cơn hen suyễn hoặc COPD bùng phát…
Người mắc bệnh do virus HMPV có thể gặp biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Phòng ngừa HMPV virus ở người
Hiện chưa có vắc xin ngăn ngừa HMPV virus. Loại virus này lây qua tiếp xúc gần, mỗi người có thể áp dụng một số biện pháp để tự bảo vệ bản thân và tránh bị nhiễm trùng như:
- Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị bệnh.
- Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng tối thiểu 20 giây trước khi chạm vào mũi, miệng, mắt.
- Chủng ngừa các bệnh hô hấp đầy đủ và thường xuyên khám sức khỏe.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi và tránh xa người khác khi ho.
- Dùng khăn lau cồn hoặc chất khử trùng sau khi ho hoặc hắt hơi vào tay.
- Nên đeo khẩu trang nếu đang bị bệnh và không thể tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh.
- Không dùng chung thức ăn, dụng cụ ăn uống (cốc, thìa, nĩa) với người khác.
- Hạn chế chạm vào những bề mặt có nhiều sự tiếp xúc như tay nắm cửa, lan can.